Trong bối cảnh ngày càng hiện đại, môi trường và văn hóa doanh nghiệp cũng cởi mở hơn trước, xu hướng trao quyền cho nhân viên lại càng được các lãnh đạo quan tâm hơn bao giờ hết. Cùng WEONE tìm hiểu kỹ hơn về xu hướng này nhé!
Ý nghĩa của việc trao quyền cho nhân viên
Trao quyền cho nhân viên là cho phép họ đưa ra quyết định thực hiện công việc hàng ngày mà không cần phải có sự phê duyệt của người quản lý. Một người quản lý hiểu được lợi ích của việc trao quyền có thể áp dụng kiến thức đó để hỗ trợ phát triển năng lực của nhân viên.
Theo John Vong – cố vấn cao cấp của Tập đoàn Sacombank: “Cho dù có làm việc cả ngày lẫn đêm thì lãnh đạo cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày. Bởi vậy, hãy trao quyền cho nhân viên, chứ đừng cố gắng làm “siêu nhân””.
Thực tế cho thấy, trong quá trình vận hành doanh nghiệp, có những vấn đề đang diễn ra mà lãnh đạo – người nắm toàn quyền quyết định lại không nắm bắt được hết, hoặc nắm bắt nhưng chưa tường tận và cụ thể. Trong khi đó nhân viên – những người trực tiếp thực hiện công việc thấu hiểu những thực trạng này, có những đề xuất tốt, tuy nhiên lại không có quyền quyết định. Điều mà mỗi nhà quản lý cần chính là một công cụ tác động lên lòng nhiệt thành của mỗi nhân viên, để tất cả cùng chung tay cải tiến công việc.
Trong trường hợp trên, giao quyền cho nhân viên có thể là một giải pháp hữu hiệu để giải đáp bài toán khó này. Trong công việc thường nhật của mình, hầu hết các nhân viên đều tiếp xúc với khách hàng nhiều hơn mức độ tiếp xúc của các nhà quản lý. Do đó, hơn ai hết, chính nhân viên là người hiểu rõ vấn đề nằm ở đâu.
Một trong những nhu cầu cơ bản của con người chính là việc được ghi nhận. Sự khuyến khích nhân viên tham gia vào quá trình quản lý và ra quyết định cũng như chịu trách nhiệm sẽ giúp họ cảm thấy được trân trọng và sẽ có mong muốn cống hiến nhiều hơn cho công ty.
Bên cạnh đó, nếu được ghi nhận như vậy, họ sẽ có xu hướng trách nhiệm hơn với công việc vì họ biết rằng mình đang đảm nhiệm một chức vụ lớn lao.
Bí quyết để trao quyền cho nhân viên giúp nâng cao năng suất làm việc
Việc trao quyền cho nhân viên cũng không thể thực hiện một cách bộc phát theo phong trào mà cần có sự tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh đó điều này cũng có một vài quy tắc và nghệ thuật để việc trao quyền trở nên có hiệu quả hơn:
Chia sẻ mục tiêu của công ty, định hướng của ban lãnh đạo
Như đã nói, con người luôn mong muốn được ghi nhận và đánh giá cao. Thay vì để nhân viên thấy họ không mang lại giá trị gì cho công ty, hãy cho họ thấy mình là một mắt xích quan trọng. Chia sẻ và giúp cho nhân viên hiểu rõ nhiệm vụ, hướng phát triển và kế hoạch chiến lược của công ty; các mục tiêu và định hướng công việc sẽ giúp họ tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến để đạt được kết quả cao nhất.
Cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết
Trước khi giao nhiệm vụ cho nhân viên, hãy đảm bảo họ đã được cung cấp đầy đủ thông tin thay vì phải đi hỏi từng phòng ban. Không nên “ném” cho họ một đề bài, sau đó để họ giải theo cách của mình rồi chính bản thân bạn phải là người sửa lại từng chút một.
Giao quyền khác với phân công các nhiệm vụ thông thường
Bạn giao quyền bằng cách đặt ra câu hỏi cho nhân viên để hướng dẫn họ thực hiện việc được giao thay vì hướng dẫn chi li cho nhân viên, nhất là những người đã có nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời hướng dẫn quá kỹ cho một đầu công việc không mất nhiều thời gian.
Xây dựng niềm tin và sự tôn trọng
Đây là điều mà các nhà lãnh đạo đau đáu khi xây dựng văn hóa công ty. Hai yếu tố niềm tin và sự tôn trọng là nhân tố cốt lõi, giúp cho mọi công việc trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Nếu thiếu đi hai điều trên thì công ty sẽ khó lòng có thể phát triển và cùng nhau vượt qua khó khăn.
Mở rộng hệ giao tiếp
Giao tiếp là yếu tố quan trọng nhất để tạo ra sự trao quyền. Nhân viên không nên cảm thấy họ là người cuối cùng biết về bất kỳ sự phát triển nào trong công ty. Đồng thời, ban quản lý cũng cần tiếp thu các ý kiến đóng góp từ nhân viên để chứng minh cho họ thấy họ cũng đang được lắng nghe
Truyền cảm hứng sáng tạo
Tư duy đổi mới là đặc điểm chính của một nhà lãnh đạo giỏi. Sáng tạo thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề, một phẩm chất mà bất kỳ nhà lãnh đạo tương lai nào cũng phải có. Nó cải thiện quy trình làm việc tổng thể giúp tìm ra các giải pháp thay thế cho các vấn đề và phá vỡ các giả định.
Tóm lại, vận hành một doanh nghiệp không phải là nhiệm vụ của một cá nhân lãnh đạo đơn lẻ; nó đòi hỏi sự đóng góp của cả tập thể. Đôi lúc, để tiến xa hơn, nhà quản lý cần khuyến khích nhân viên tham gia vào những hoạt động điều hành. Bạn sẽ bất ngờ về khả năng quản lý của họ đấy.
Trên đây là tìm hiểu của chúng tôi về xu hướng trao quyền cho nhân viên nổi bật trong thời gian gần đây. Hy vọng rằng những nhà lãnh đạo nên quan tâm đến vấn đề này, từng bước thay đổi cách thức vận hành doanh nghiệp sao cho phù hợp với tình hình thực tế để doanh nghiệp tiến xa hơn!