Kế hoạch tài chính là một trong những khâu quan trọng trong việc quản lý tài chính và nguồn tiền của doanh nghiệp. Chúng thể hiện năng lực của người lãnh đạo và quyết định đến các bước đi sau này của công ty. Vậy, kế hoạch tài chính là gì? Cần những bước nào để lập được kế hoạch tài chính đầy đủ và hiệu quả? WEONE mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây.
Kế hoạch tài chính là gì?
Kế hoạch tài chính là bản kế hoạch dựa trên các báo cáo về sản xuất, đầu tư và chiến lược kinh doanh. Thông qua đó, giám đốc tài chính có thể đưa ra được phương án tài chính phù hợp và đem lại hiệu quả tối ưu cho doanh nghiệp.
Kế hoạch tài chính đóng vai trò quan trọng và là một bản kế hoạch không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp vì những lý do sau:
- Doanh nghiệp dựa vào bản kế hoạch tài chính để xác định mục tiêu tài chính của mình trong tương lai. Từ đó, đưa ra phương án thích hợp nhất để thực hiện mục tiêu đó.
- Tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư bởi tính minh bạch, rõ ràng của bản kế hoạch.
- Bản kế hoạch tài chính giúp nhà đầu tư thấy được tính khả quan trong các phương án tài chính. Nếu tính khả thi cao thì tỷ lệ thành công gọi vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng rất cao.
- Một bản kế hoạch tốt sẽ đánh giá năng lực điều hành và quản lý của ban lãnh đạo công ty.
Cơ sở xây dựng kế hoạch tài chính doanh nghiệp
Phần lớn, các giám dốc tài chính đều xây dựng bản kế hoạch dựa vào các báo cáo tài chính. Kế hoạch theo tháng, quý hay năm sẽ tương đương với các báo cáo tài chính định kỳ theo tháng, quý hoặc năm. Một số các chỉ tiêu cần theo dõi trong báo cáo tài chính doanh nghiệp cụ thể như sau:
Report về kết quả hoạt động kinh doanh
Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh về cơ bản chỉ ra các khoản doanh thu và chi phí cũng như lãi/ lỗ của doanh nghiệp. Điểm cốt lõi của báo cáo này là giúp giám đốc tài chính tính toán được tỷ suất lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được trong một chu kỳ kinh doanh là bao nhiêu. Từ đó, vạch ra các kế hoạch để chiều chỉnh từng khoản mục chi phí cũng như tìm phương án tăng doanh thu trong thời gian sắp tới.
Bảng cân đối kế toán
Ngược lại với báo cáo kết quả kinh doanh, bảng cân đối kế toán chủ yếu thể hiện tài sản hiện có của doanh nghiệp và nguồn vốn hình thành nên các tài sản đó. Các con số về tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn hay nợ ngắn hạn, nợ trung và dài hạn cũng như tỷ lệ giữa các loại tài sản này nói lên mức độ hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn. Nhiệm vụ của giám đốc tài chính là dựa vào bảng cân đối kế toán và đưa ra các phương án về việc tăng/giảm nguồn vốn để tiếp tục tài trợ cho các tài sản hiện có của mình.
Báo cáo về lưu chuyển tiền tệ (phương pháp trực tiếp hoặc gián tiếp)
Tất nhiên, doanh nghiệp không thể bỏ qua báo cáo lưu chuyển của dòng tiền. Dòng tiền ra nhiều hơn dòng tiền vào chưa chắc đã phải là dấu hiệu xấu mà có thể đấy chỉ là bước đệm để đạt được mục tiêu đề ra. Với việc theo dõi sự thay đổi của dòng tiền trong các chu kỳ kinh doanh, giám đốc tài chính có thể lập được bản kế hoạch tài chính cho kỳ kinh doanh sắp tới một cách chính xác nhất.
Quy trình 7 bước khi lập kế hoạch tài chính cho doanh nghiệp
Sau khi đã có đầy đủ các thông tin và tài liệu cần thiết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về quy trình để lập được bản kế hoạch tài chính hoàn chỉnh.
1. Nghiên cứu chi tiết các vấn đề về tài chính doanh nghiệp
Trước khi bắt tay vào tiến hành bất kỳ một công việc gì, chúng ta đều cần có sự tìm hiểu. Doanh nghiệp không được bỏ sót bất kỳ một thông tin tài chính nào trong quá trình nghiên cứu để đảm bảo các phương án trong kế hoạch đưa ra là chính xác nhất.
2. Xác định nhu cầu tài chính sắp tới của doanh nghiệp
Nhu cầu tài chính của doanh nghiệp ở các thời điểm khác nhau là khác nhau. Vì vậy, chúng ta cần xác định rõ sắp tới, mục tiêu doanh nghiệp muốn hướng tới là gì? Nếu chỉ đơn thuần là duy trì hoạt động sản xuất thì nhu cầu tài chính so với thời kỳ trước có thể thay đổi không nhiều. Ngược lại, với việc mở rộng quy mô, doanh nghiệp có thể sẽ phải dự trù một khoản kinh phí khá lớn.
3. Tìm hiểu và thu thập dữ liệu
Sau khi đã nghiên cứu và xác định rõ nhu cầu tài chính của doanh nghiệp mình, chúng ta hãy bắt tay vào thu thập các thông tin và dự trù các khoản thu, chi cho chu kỳ kinh doanh sắp tới. Ngoài việc thảo luận với các cổ đông khác trong ban quản trị, các bạn cũng có thể nhờ đến sự tư vấn, giúp đỡ từ các chuyên gia tài chính và luật. Điều này giúp doanh nghiệp đưa ra được các quyết định chính xác hơn và tránh được những rủi ro về pháp lý sau này.
4. Phát triển kế hoạch tài chính
Phát triển hay nói cách khác chính là phân tích và chi tiết từng mục tiêu lớn trong bản kế hoạch. Bạn có thể đề xuất nhiều phương án khác nhau, sau đó đưa ra các ưu nhược điểm, cuối cùng là thảo luận và quyết định lựa chọn phương án tối ưu nhất. Các tiêu chí để đánh giá phương án được lựa chọn bao gồm các vấn đề về tối ưu lợi ích của người lao động và lợi nhuận cho doanh nghiệp, các vấn đề khác liên quan đến luật pháp, thuế và bảo hiểm xã hội…
5. Trình bày bản kế hoạch
Ngoài việc trình bày bản kế hoạch tới tất cả mọi người, bạn còn phải giải thích về các phương án, mục tiêu cũng như giải trình về các con số. Vì vậy, hãy chuẩn bị các tài liệu liên quan thật cẩn thận và kỹ càng. Một buổi thuyết trình được coi là hoàn hảo không chỉ được đánh giá bằng tính khả quan của bản kế hoạch mà còn ở cách mà bạn thể hiện chúng như thế nào.
6. Thực hiện và triển khai kế hoạch đề ra
Đã đến lúc hiện thực hóa bản kế hoạch của mình rồi. Hãy chắc chắn rằng các mục tiêu mà kế hoạch đề cập tới đều sẽ được thực hiện một cách tốt nhất. Đây chính là cách chứng minh rõ ràng nhất tính khả quan của bản kế hoạch. Quá trình thực hiện cho kết quả đạt được càng tốt tức là tính khả quan của kế hoạch tài chính càng cao và rất có thể doanh nghiệp bạn sẽ nhận được những lời mời hợp tác mới.
7. Giám sát quá trình thực hiện
Bước cuối cùng trong việc thực hiện bản kế hoạch tài chính là việc giám sát quá trình thực hiện. Theo dõi sát sao các phát sinh không lường trước và kịp thời đưa ra phương án giải quyết là các vấn đề chính của bước giám sát cuối cùng này. Song song với giám sát thực hiện, chúng ta cũng từng bước đưa ra các đánh giá về tính hiệu quả của từng khoản mục trong bản kế hoạch tài chính.
Kế hoạch tài chính càng chi tiết, rõ ràng thì việc hình dung và hiện thực hóa chúng càng đơn giản. Hi vọng, với bài viết trên đây, doanh nghiệp cũng như những nhà quản trị kinh doanh sẽ có được những thông tin hữu ích để lên được một bản báo cáo hiệu quả. Chúc các bạn thành công!