Đại dịch Covid – 19 kéo dài hơn 2 năm đã làm thay đổi toàn bộ văn hóa làm việc của đại đa số công ty trên toàn thế giới. Rất nhiều những hình thức, công cụ hỗ trợ làm việc đã ra đời chỉ trong một thời gian ngắn.
Sau hơn 2 năm chống chọi với dịch bệnh, nền kinh tế thế giới chứng kiến nhiều sự thay đổi rõ rệt. Ảnh hưởng của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và giãn cách xã hội ở đại đa số các quốc gia trên thế giới đòi hỏi lực lượng lao động và các công ty phải có những biện pháp thích nghi nhanh để không đánh mất chỗ đứng trên thị trường. Bước vào thời kỳ bình thường mới, đâu là những xu hướng làm việc của các doanh nghiệp hậu Covid?
Mô hình làm việc từ xa/kết hợp
Có lẽ thay đổi dễ thấy nhất kể từ khi dịch Covid bùng nổ là sự gia tăng chóng mắt của số lượng công việc làm việc từ xa và sự phổ biến ngày càng tăng của những mô hình làm việc kết hợp. Thuật ngữ “work from home” đã không còn xa lạ gì với bất kì người lao động nào trên thị trường trong 2 năm trở lại đây.
Điều này lại không có gì đáng ngạc nhiên, vì khả năng kết nối tức thì giúp người lao động có thể làm việc từ văn phòng tại nhà của họ. Xu hướng này cũng phản ánh mong muốn thay đổi của người lao động. Càng ngày càng có nhiều cuộc họp, hội nghị, sự kiện online diễn ra trên khắp thế giới, ở hầu hết các quy mô từ nhỏ đến lớn. Một nghiên cứu của Buffer vào năm 2019 cho thấy, nếu được lựa chọn, có đến 99% người lao động sẽ thích làm việc từ xa, ít nhất là bán thời gian, hơn là làm việc tại công ty.
Tăng cường áp dụng công nghệ, thu thập dữ liệu nhân viên
Nghiên cứu của Gartner cho thấy, 16% nhà tuyển dụng đang sử dụng công nghệ để theo dõi, giám sát nhân viên của họ một cách thường xuyên hơn so với trước khi dịch Covid xảy ra qua những công cụ như theo dõi email cá nhân, theo dõi sử dụng máy tính làm việc và liên lạc, trò chuyện nội bộ qua các ứng dụng di động. Mặt khác nhiều công ty khác theo dõi mức độ tương tác, hạnh phúc và sức khỏe tâm thần của nhân viên, cũng qua các phương pháp công nghệ.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, các doanh nghiệp đã sử dụng các công cụ giám sát nhân viên phi truyền thống, nhưng xu hướng nhân sự này chỉ được thúc đẩy nhanh chóng bằng cách giám sát mới đối với nhân viên từ xa và thu thập dữ liệu về sức khỏe và an toàn của nhân viên.
Xu hướng lao động độc lập
Sự đình trệ kinh tế đã khiến cho nhiều lao động mất việc, hoặc phải trải qua những điều kiện làm việc không đạt chuẩn. Các doanh nghiệp lại cắt giảm chi phí cho nhân sự như một biện pháp ngắn hạn cho những tác động tiêu cực về mặt kinh tế của đại dịch, nhưng kết quả đều không khả quan. Một giải pháp cho vấn đề này là cắt giảm sử dụng nhân viên toàn thời gian với hợp đồng dài hạn, thay bằng hình thức lao động “dự phòng” với đặc trưng là sự xuất hiện ngày càng nhiều của những “cộng tác viên” thay vì “nhân viên” cũng mang lại nhiều thay đổi cho xu hướng lao động của doanh nghiệp, tạo ra sự linh hoạt trong công tác quản lý nhân viên. Một nghiên cứu chỉ ra rằng “Có 32% các tổ chức đang thay thế nhân viên toàn thời gian bằng nhân viên dự phòng như một biện pháp tiết kiệm chi phí”.
Đại dịch đã làm tăng những vấn đề của người lao động mà các nhà lãnh đạo cần quan tâm tới. Trước đây họ dành nhiều sự chú ý hơn cho hiệu suất, sản phẩm đầu ra của nhân viên, nhưng trong thời kỳ dịch Covid, họ cần cân bằng và lo lắng nhiều hơn cho những giá trị tinh thần, an ninh, sức khỏe của người lao động.
Khủng hoảng kinh tế đã thay đổi góc nhìn của lãnh đạo về trải nghiệm làm việc của nhân viên ở công ty. Người lao động đã và đang tập trung hơn vào những yếu tố cá nhân thay vì tập thể, vì vậy các nhà doanh nghiệp cần có những biện pháp quan tâm, giúp đỡ và khuyến khích phát triển sức khỏe, tinh thần để cải thiện thể chất và cảm tình của nhân viên.
Ngoài vấn đề hiệu suất, nhân viên cũng cần được quan tâm sức khỏe thể chất, tinh thần dù ở trong hay đã thoát khỏi đại dịch
Vì vậy, các nhà lãnh đạo cần có những suy xét kịp thời, đúng đắn để đưa ra cách tiếp cận nhân viên hợp lý nhất, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm làm việc của nhân viên trong dài hạn. Bên cạnh đó, cần giải quyết sự bất bình đẳng giữa những quyền lợi của những nhân viên làm việc từ xa và nhân viên tại văn phòng được hưởng, mở ra những buổi đào tạo hội nhập, đào tạo văn hóa công ty khích lệ tinh thần và tăng sự thích nghi cũng như chấp thuận văn hóa doanh nghiệp cho nhân viên.
Những xu hướng trên phản ánh những sự thay đổi tất yếu của văn hóa làm việc, đại dịch Covid – 19, khách quan mà nói, đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển. Các công ty cần nắm bắt và cập nhật kịp thời để không đánh mất lợi thế trên thị trường.