Mã số thuế doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng công ty trong suốt quá trình hoạt động cũng như các thủ tục pháp lý khác. Hãy cùng WEONE tìm hiểu mã số thuế là gì và cách tra cứu mã số thuế doanh nghiệp nhanh và chính xác nhất ngay sau đây!
1. Mã số thuế doanh nghiệp là gì ?
Căn cứ quy định tại Điều 30, Luật doanh nghiệp năm 2014 và Điều 8, Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định về mã số doanh nghiệp được hiểu như sau:
“Mã số doanh nghiệp là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có một mã số duy nhất và không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác.”
Mã số doanh nghiệp được ghi rõ ràng trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và mỗi doanh nghiệp chỉ có một mã duy nhất và các mã doanh nghiệp giữa các công ty là độc lập, không trùng nhau.
Mã số doanh nghiệp là con số đồng hành cùng công ty suốt chặng đường hoạt động, đến khi công ty chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp mới chấm dứt hiệu lực. Trong hoạt động với doanh nghiệp thì mã số doanh nghiệp được dùng để thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến cơ quan thuế, thủ tục hành chính cùng các quyền, nghĩa vụ khác.
Thông qua mã số doanh nghiệp được cấp khi thành lập công ty thì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể dựa vào mã số đó kiểm tra và giám sát các hoạt động kinh doanh cũng như nghĩa vụ đóng thuế của doanh nghiệp đã được thực hiện theo đúng quy định hay chưa.
2. Mối liên hệ giữa mã số doanh nghiệp và mã số thuế
Trước đây khi Luật doanh nghiệp cũ năm 2005 có hiệu lực thì có quy định mã số đăng ký kinh doanh riêng và mã số thuế riêng. Khi muốn được cấp mã số đăng ký kinh doanh và mã số thuế thì công ty phải thực hiện 02 bộ hồ sơ khác nhau.
Tuy nhiên sau đó Nghị định 43/2010/NĐ-CP và Luật doanh nghiệp hiện hành thì quy định này lại có sự sửa đổi, thủ tục cấp mã số thuế và mã doanh nghiệp là một. Tức là khi doanh nghiệp được cấp mã số doanh nghiệp cũng đồng thời mã doanh nghiệp đó là mã số thuế.
Việc hợp nhất thủ tục này giúp cho cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp thuận lợi, dễ dàng quản lý các hoạt động của công ty, nhất là quản lý việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế của doanh nghiệp.
Đồng thời khi hợp nhất thủ tục này là một cũng rút ngắn đi thủ tục hành chính rất nhiều, các doanh nghiệp cũng không phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, phải chuẩn bị thủ tục khác nhau mới được cấp mã số thuế và mã doanh nghiệp như trước nữa.
Lưu ý: Đối với các công ty thành lập trước ngày 01/07/2015, mã số thuế và Mã doanh nghiệp không trùng nhau thì không bắt buộc phải làm thủ tục thay đổi 02 mã số này làm một trừ trường hợp công ty có sự thay đổi về tên công ty, trụ sở doanh nghiệp….
3. Cách tra cứu mã số thuế doanh nghiệp
3.1. Tra cứu bằng cách truy cập trang web Thuế điện tử
Bước 1: Truy cập vào https://thuedientu.net.vn/ chọn đăng nhập, chọn tra cứu MST
Bước 2: Chọn mục doanh nghiệp
Bước 3: Điền Chứng minh thư/Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật hoặc Mã số doanh nghiệp (mã số trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp).
Bước 4: Điền thông tin yêu cầu và xác nhận thông tin.
Bước 5: Bấm vào ô Tìm kiếm.
3.2. Tra cứu bằng thông tin từ Tổng cục thuế
Bước 1: Truy cập vào trang của Tổng cục Thuế tại địa chỉ: http://www.gdt.gov.vn/wps/portal
Bước 2: Chọn Dịch vụ công
Bước 3: Chọn Tra cứu thông tin người nộp thuế
Bước 4: Nhập 01 trong 04 yêu cầu: Mã số thuế/Tên tổ chức cá nhân nộp thuế/Địa chỉ trụ sở kinh doanh/Số chứng minh thư người đại diện (Không cần phải nhập đầy đủ cả 4 thông tin).
Sau đó nhập Mã xác nhận (Dãy chữ số và ký tự bên cạnh ô Mã xác nhận)
Bước 5: Nhấn vào Tra cứu, chờ và nhận kết quả
Bước 6: Bấm vào tên doanh nghiệp để xem thông tin chi tiết