Các ngân hàng thương mại đang dần vượt qua đại dịch COVID – 19 với nhiều khó khăn và thử thách. Tuy nhiên trong bước chuyển mình sang giai đoạn “bình thường mới” có không ít thách thức phía trước. Để thích nghi thành công, một số xu hướng quản trị doanh nghiệp đang dần được hình thành tại hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam và thế giới.
Các ngân hàng đã và đang chứng tỏ tầm quan trọng của “huyết mạch nền kinh tế”, tiếp sức cho nhiều doanh nghiệp tiếp tục duy trì và vực dậy qua thời kỳ đại dịch khó khăn, duy trì chuỗi tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Trở mình qua giai đoạn “cuộc sống bình thường mới” sau đại dịch, đây là thời điểm nhạy cảm, khi lưu thông hàng hóa và dịch vụ nhộn nhịp trở lại nhưng nợ xấu cũng đang đe dọa đến hoạt động của các ngân hàng, cần thực hiện những chính sách, chiến lược thay đổi, thích nghi mới để duy trì hoạt động. Dưới đây là những xu hướng mới trong quản trị doanh nghiệp của ngành ngân hàng, hứa hẹn sẽ mang lại những sự mới mẻ và thay đổi tích cực:
Ngân hàng xanh
Ngân hàng xanh được hiểu là việc các ngân hàng xây dựng các đường lối, chiến lược gắn liền với phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính. Đây được cho là một xu hướng ngân hàng lý tưởng trong tương lai, khi song song với dịch bệnh, loài người vẫn đang phải đối mặt với một thách thức lâu dài hơn nhiều, đó là biến đổi khí hậu.
Việc các ngân hàng bắt đầu xây dựng những khuôn khổ pháp lý cho phát triển ngân hàng xanh, khuyến khích tín dụng xanh, thực hiện quản lý rủi ro môi trường đã cho thấy trách nhiệm với xã hội và với môi trường của ngành ngân hàng, nâng cao uy tín và thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, việc hướng tới phát triển bền vững cũng tạo ra một nền tảng vững chắc cho các ngân hàng xanh trong tương lai, với khả năng nhận nhiều chính sách và các gói hỗ trợ từ Chính phủ và niềm tin từ khách hàng. Ngân hàng xanh xứng đáng trở thành mô hình ngân hàng tiềm năng nhất trong những năm đầu thập niên này.
Cú bắt tay giữa Ngân hàng – Fintech
Fintech những năm gần đây đang nổi lên như một công cụ hỗ trợ hoạt động cho các ngân hàng thương mại khi những thanh toán truyền thống có xu hướng ít và khó diễn ra hơn trước kia. Nhận ra sự phát triển tiềm năng này, thị trường hợp tác Ngân hàng – Fintech đang ngày càng trở nên sôi động và nhộn nhịp. Sự hợp tác này diễn ra trên nhiều mặt với các quy mô khác nhau, nhưng đều chứng tỏ giá trị của mình khi phần lớn đầu tư từ các nhà ngân hàng vào startup Fintech đều tỏ ra rất hiệu quả và mang lại lợi nhuận. Với xu hướng số hóa hoạt động thanh toán, tối thiểu hóa việc sử dụng tiền mặt của người dân, sự phát triển của mạng di động cùng sự gắn bó “không thể tách rời” với các thiết bị thông minh để sử dụng liên tục các ứng dụng thanh toán, dịch vụ ngân hàng, đây sẽ là một xu hướng mang lại giá trị lợi nhuận tức thì hàng đầu cho các ngân hàng thương mại hiện nay.
Giảm, hoặc cắt bỏ chi phí
Khách hàng thì luôn thích những dịch vụ miễn phí. Việc tiếp cận đến dịch vụ ngân hàng bằng những công nghệ dễ dàng có được làm cho khách hàng chần chờ khi phải bỏ ra một khoản phí cho một hạng mục nhỏ lẻ và không đáng. Nắm bắt tâm lý này, nhiều ngân hàng đã bỏ phí chuyển tiền liên ngân hàng, bắt đầu vào những năm 2020. Sau đó, nhận thấy tiềm năng của quyết định này, các ông lớn cũng đang bắt đầu nhảy vào cuộc đua.
Các ngân hàng đang thi nhau bỏ đi những phí dịch vụ không cần thiết, nhiều ngân hàng thậm chí còn có các gói ưu đãi loại bỏ 100% phí sử dụng dịch vụ ngân hàng như phí thường niên, phí chuyển tiền, phí rút tiền, phí SMS và ATM,… cùng với rất nhiều dịch vụ thay thế như tăng tiền gửi không kỳ hạn, nộp thuế, tiền nước, tiền điện tại nhà, đăng ký tài khoản số đẹp miễn phí, v.v… Quyết định cắt giảm chi phí giúp cởi bỏ tâm lý ngại sử dụng dịch vụ đóng phí của khách hàng, thúc đẩy sự tăng trưởng và tiếp cận sản phẩm trong thời kỳ có quá nhiều lựa chọn trong ngành ngân hàng này.
Chuyển đổi số trong ngân hàng
Ngân hàng đã được liệt vào danh sách ngành có tỷ lệ và tiềm năng thích ứng cao nhất với xu hướng chuyển đổi số, vì vậy đây không còn là một xu hướng xa lạ, cao siêu của các ngân hàng. Các hoạt động chuyển đổi số đã nhen nhóm từ những thay đổi đầu tiên của hệ thống ngân hàng thương mại, điển hình là việc kết hợp với các công ty công nghệ tài chính Fintech. Sức ép cạnh tranh không chỉ đến từ nội bộ hệ thống ngân hàng thương mại, nó còn đến từ khách hàng của chính họ như những công ty điện tử viễn thông, các nhà bán lẻ, v.v…
Chuyển đổi số trong ngân hàng Digibank hướng trực tiếp tới gia tăng trải nghiệm khách hàng và đơn giản, bảo mật, hệ thống hóa, tự động hóa các quy trình, hoạt động và sản phẩm ngân hàng. Vốn dĩ hệ thống nhân sự ngân hàng cần đến sự tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối. Sự có mặt của hệ thống công nghệ sẽ giúp giảm thiểu chi phí, rủi ro nghiệp vụ, bên cạnh đó mở ra nhiều cách thức tiếp cận khách quan và làm hài lòng khách hàng hơn.
Tiền điện tử
Mới đây nhất, Việt Nam đã thể hiện một thái độ nghi ngại với các loại tiền điện tử phi truyền thống như Bitcoin. Chính phủ giữ một thái độ thận trọng đối với những loại tiền ảo này là do sự bấp bênh, không ổn định trong giá trị của tiền điện tử, mà lý do chính trong việc này là Chính phủ không trực tiếp quản lý tiền điện tử, họ chỉ có thể ban hành những quy định siết chặt hoạt động của loại tiền “ngoại lai” này.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của nghiên cứu về CBDC – Central Bank Digital Currency, hay Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung Ương (tạm dịch) như một luồng gió mới thổi vào thị trường tiền điện tự. CBDC giải quyết điểm yếu cố hữu khiến Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác nghi ngại về tiền điện tử: CBDC được phát hành bởi Ngân hàng Trung ương và được kiểm soát bởi Chính phủ, hay nói cách khác, CBDC là loại tiền kết hợp giữa tiền pháp định và tiền ảo. Tuy chưa được triển khai trực tiếp tại Việt Nam nhưng nếu Chính phủ bật đèn xanh cho phương án này, đây sẽ là một phương án đáng để đầu tư và phát triển bởi các Ngân hàng thương mại.
Thay đổi chính sách nhân sự
Trong thời kỳ các ngân hàng đã và đang hoàn thành quá trình chuyển đổi số, việc thiếu nhân sự có hiểu biết về cả 2 mảng công nghệ và nghiệp vụ tài chính – ngân hàng đã gây áp lực nhân sự chất lượng cao cực kỳ nặng nề lên hệ thống ngân hàng. Cạnh tranh xảy ra với cả các công ty công nghệ, Fintech, điện tử viễn thông – những đơn vị sẵn sàng trả rất nhiều tiền để mời về những ứng viên chất lượng. Nếu không thể khai thác các nguồn lực có sẵn, các ngân hàng buộc phải có những chính sách, chiến lược đào tạo nhân viên cả ngắn hạn và dài hạn. Một nhân sự “lý tưởng” cần đáp ứng cả 3 yếu tố: công nghệ, tài chính và ngoại ngữ. Rất khó và cũng rất đắt đỏ để tìm ra và mời về những ứng viên 3 trong 1 như vậy.
Ngoài ra, các Công đoàn cũng cần có những chính sách hỗ trợ, hướng tới quyền nhân viên nhiều hơn như chăm sóc sức khỏe, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, v.v… Vì vậy, việc có những thay đổi, đổi mới về chính sách nhân sự, tìm kiếm và đào tạo chuyên sâu ứng viên sẽ là một xu hướng mới trong hoạt động nhân sự của ngành ngân hàng, vừa đảm bảo chất lượng hoạt động, vừa thu hút ứng viên tiềm năng và hướng tới những sự phát triển lâu dài của nội bộ ngân hàng.
Năm 2022 là năm bản lề và quan trọng cho các ngân hàng, khi dường như một cuộc sống bình thường mới sẽ bắt đầu và tất cả các tổ chức sẽ đều phải điều chỉnh và thích nghi với dịch bệnh theo một cách hoàn toàn khác so với trước đây. Những xu hướng trên sẽ mở đầu cho một năm đầy biến động và thay đổi, thách thức cho hệ thống ngân hàng, đòi hỏi phải có những chiến lược, tầm nhìn, định hướng quản lý lâu dài.